Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc
4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng cao, ước tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Nỗ lực bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022.
Tăng trưởng tích cực
Tháng 4-2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục phục hồi, với sự khởi sắc của các thị trường xuất khẩu quan trọng, như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông. Các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm bằng gỗ; máy móc thiết bị; giày dép, dệt may... có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới, nhiều doanh nghiệp (DN) tập trung tuyển dụng lao động với số lượng lớn để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Ngoài ra, việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực cũng tạo lợi thế cho DN trong quá trình tiếp cận và mở rộng thị trường, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Sản xuất tại Công ty TNHH Vị Hảo, TX.Tân Uyên
Trao đổi về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng đầu năm 2022, ông Hồ Song Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, cho biết thị trường nội địa vẫn còn dư địa lớn nên Tôn Đông Á tiếp tục gia tăng công suất, mở rộng thị phần và đầu tư. Tôn Đông Á đang hợp tác với một công ty sản xuất thép hàng đầu thế giới để đầu tư dự án nhà máy Tôn Đông Á thứ 3 và dự kiến đạt 1,2 triệu tấn/năm trong 5 năm sắp tới để đáp ứng nhu cầu thép lá mạ sử dụng trong xây dựng và sản xuất công nghiệp ngày càng tăng.
Có thể thấy, ngành công nghiệp đã và đang tiếp tục giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng chung của tỉnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4-2022 ước tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 4 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,6%, đây là ngành đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành, chiếm tỷ trọng 98,9% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Tập trung phát triển theo chiều sâu
Đánh giá về triển vọng quý II và cả năm 2022, nhiều DN cho rằng với phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn để phát triển, cùng với sự đồng hành của các cấp, các ngành, địa phương, DN sẽ tiếp tục duy trì sản xuất, tăng tốc phát triển. Theo đó, có 85% số DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý II sẽ ổn định và tốt hơn. Ông Kitagawa Norukazu, Giám đốc Công Ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam, cho rằng dịch bệnh trong tỉnh đã được kiểm soát rất tốt, công ty liên tục nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn, đang vận hành hết công suất để đáp ứng.
Hiện nay, Bình Dương có trên 9.000 DN hoạt động công nghiệp, trong đó DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 24,7% số lượng và chiếm 57,2% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giá trị xuất khẩu của DN FDI chiếm trên 79% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, trong đó, tập trung chủ yếu là thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, như: Hàng gỗ nội thất, máy móc, thiết bị, hàng dệt, may, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày…
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tại các DN đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Đồng thời căng thẳng chiến tranh Nga - Ukraine cũng đang tác động đến hoạt động xuất khẩu, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… song các DN vẫn nỗ lực để thích ứng và phát triển. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ kịp thời để phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ được tỉnh triển khai thực hiện nhanh chóng, đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cộng đồng DN, góp phần đưa ngành công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm 2 022.
Trên tinh thần chủ động, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa nỗ lực phấn đấu cao nhất trong thực hiện các mục tiêu của năm 2022, lãnh đạo Sở Công thương cho biết để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp các tháng còn lại của năm, bên cạnh tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, để gia tăng giá trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp. Sở Công thương đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, lựa chọn ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng sạch và tỷ lệ nội địa hóa. Cùng với đó thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, đẩy mạnh thương mại điện tử… để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho DN công nghiệp.
Năm 2022, tỉnh tiếp tục phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, ổn định tốc độ tăng trưởng và giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động, góp phần nội địa hóa sản phẩm; xây dựng danh mục các ngành nghề dự án, kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trực tuyến và chuẩn bị đầy đủ điều kiện hạ tầng đón các nhà đầu tư lớn với chiến lược lâu dài; tăng cường quản lý, hỗ trợ, phấn đấu chỉ số ngành công nghiệp năm 2022 tăng khoảng 8,9% so với năm 2021.