Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh: Nỗ lực phối hợp, thúc đẩy chuyển đổi số
Chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững, thời gian qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) và các hội, trung tâm thành viên đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, phối hợp các sở ngành đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số.
Nhiều khâu trong hoạt động tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ đăng ký đất đai tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bàu Bàng đã được số hóa từ đầu năm 2022
Sẵn lòng hỗ trợ doanh nghiệp
Trong và sau đại dịch Covid-19, làn sóng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp (DN) Việt được thúc đẩy phát triển. Thống kê sơ bộ của một số DN chuyên khảo sát thị trường cho thấy tính đến đầu năm 2022, cả nước đã có hàng chục ngàn DN áp dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có đến hơn 95% DN áp dụng hệ thống quản trị, vận hành sản xuất, kinh doanh dựa vào hệ thống máy tính và các ứng dụng gắn liền theo nền tảng máy tính.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp Hội, cho biết làn sóng chuyển đổi số đang được đẩy mạnh và diễn ra một cách khẩn trương, cấp thiết trong cộng đồng DN. Theo ông Thành, đây là yếu tố sống còn, kịp thời đưa DN của mình lên môi trường số hóa không biên giới. Những DN không kịp thời thích ứng, thay đổi và tham gia cuộc chơi mới sẽ có nguy cơ rất cao bị mất đi thị trường, thị phần và dần mất đi vị thế.
Là đơn vị đi đầu trong hoạt động cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho các tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo chi nhánh Bình Dương thuộc Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng hiện nay cuộc chơi thương trường đã dần chuyển từ quy luật “cá lớn nuốt cá bé” sang “cá nhanh nuốt cá chậm” với sự cạnh tranh, đào thải khốc liệt. Nhờ ứng dụng thông minh, linh hoạt và hiệu quả các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, nhiều DN khởi nghiệp vài ba năm cũng có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Ngược lại, những DN vốn hóa lớn và thâm niên hoạt động lâu dài nếu chậm hoặc không chịu thay đổi cũng sẽ dễ dàng bị thị trường bỏ lại phía sau, dần mất đi vị thế.
Ông Nguyễn Xuân Ngàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp “bật mí” thêm, lợi ích to lớn mà khoa học, kỹ thuật mang lại cho các DN chính là sự tiện lợi trong việc xây dựng kế hoạch quản trị, vận hành và mục tiêu phát triển. Cũng trên môi trường này, các DN dễ dàng hơn trong việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm, nhanh chóng tiếp cận với người tiêu dùng với chi phí, hiệu quả được tối ưu và đo lường chính xác nhờ vào các ứng dụng thống kê dữ liệu lớn (big data).
Đồng hành cùng mục tiêu của tỉnh
Chung tay với tỉnh trong việc thực hiện xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững, ông Lai Xuân Thành cho biết trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Liên hiệp Hội tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các DN đầu ngành đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, đối với hoạt động xây dựng chính quyền điện tử và số hóa các dịch vụ công, Liên hiệp Hội sẽ chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các DN đầu ngành trong lĩnh vực cung cấp giải pháp chuyển đổi số, gặp gỡ, lắng nghe và đưa ra hướng tư vấn, giải pháp thực hiện hiệu quả cho các sở ngành, đơn vị, địa phương. Những giải pháp chuyển đổi số được tư vấn và cung cấp cho các sở ngành, cơ quan, địa phương được đưa ra với mục tiêu đầu tiên là giúp bản thân các đơn vị, địa phương giảm bớt các khâu làm việc rườm ra, đồng thời tiết kiệm lượng lớn thời gian, công sức lao động và mang lại hiệu quả xử lý công việc tốt nhất có thể.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng dễ dàng theo dõi, giám sát và quản lý hoạt động chuyên môn của cấp dưới thông qua ứng dụng dành riêng trên hệ thống quản lý. Thông qua những tính năng phân cấp, phân quyền và xây dựng vùng hoạt động, quản lý biệt lập trên môi trường internet, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị dễ dàng nắm bắt và theo dõi quy trình xử lý công việc của các bộ phận chuyên môn. Qua đó kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa những hành vi sai trái, tiêu cực, nhũng nhiễu trong hoạt động tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Ông Trần Trọng Thanh, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bàu Bàng, cho biết đứng trước nhu cầu gia tăng đáng kể về các hoạt động đăng ký đất đai trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã trình cấp trên về việc xin chủ trương xây dựng ứng dụng đặt lịch làm việc online. Sau khi được chấp thuận, đơn vị đã liên hệ với phía VNPT Bình Dương để xây dựng ứng dụng, website đặt lịch làm việc thay cho hoạt động bốc số và ngồi chờ đang triển khai hiện nay. Dù chỉ mới đi vào hoạt động thí điểm, nhưng ứng dụng này đã thể hiện tính ưu việt. Tổ chức, cá nhân sử dụng tính năng này chủ động được thời gian làm việc, tiết kiệm được lượng lớn thời gian chờ, trong khi đó, đội ngũ lãnh đạo, nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Bàu Bàng cũng giảm áp lực, xử lý hồ sơ trôi chảy, thuận tiện hơn trước.
Đối với hoạt động chuyển đổi số cho các DN nhỏ và vừa, ông Lai Xuân Thành cho biết hiện Liên hiệp Hội đang phối hợp với VNPT Bình Dương thực hiện tư vấn và cung ứng các giải pháp chuyển đổi số. Trước mắt, Liên hiệp Hội kỳ vọng có thể hỗ trợ các DN nhỏ và vừa xây dựng, hoàn thiện hệ thống ứng dụng quản trị, vận hành DN trên môi trường số hóa. Việc này sẽ giúp bản thân DN tiết kiệm được lượng lớn chi phí trong khâu vận hành và quản trị. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề giúp bản thân DN phóng tầm nhìn ra xa hơn, nâng tầm giá trị cốt lõi, từng bước đưa các DN Việt vươn cao, vươn xa trên trường quốc tế.